Lực cắn của con người vào khoảng 160 PSI (pound trên inch vuông, tương đương 11 kg/cm2). Với sức mạnh đó, bộ hàm chúng ta có thể giã nát vỏ hạt dẻ khá dễ dàng. Tuy nhiên, chuyện đó chỉ là “muỗi” so với các loài vật phải sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã.
Cá mập trắng (lực cắn 4.000 PSI, tương đương 281 kg/cm2)
Năm 2008, một nhóm nhà khoa học ở Úc đã thực hiện mô phỏng máy tính về lực cắn của cá mập trắng dựa trên nhiều ảnh X-quang hộp sọ của chúng. Kết quả cho thấy một cú táp của con “quái vật biển” có thể lên tới 4000 PSI, đứng đầu trong số những loài vật từng được nghiên cứu. Các loài cá mập khác với kích thước nhỏ hơn thì sẽ có lực cắn yếu hơn.
Cá sấu nước mặn: 3.700 PSI (260 kg/cm2)
Tiến sĩ Gregory Erickson từ Đại học Bang Florida đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 10 năm về sức mạnh răng hàm của 23 giống loài cá sấu khác nhau. Kết quả “kinh hoàng” nhất thuộc về một con cá sấu nước mặn, trị giá 3.700 PSI, chỉ kém cá mập trắng một chút. Để đạt tới lực cắn chết chóc như vậy, cá thể cá sấu cần đạt tới kích thước chiều dài khoảng 7 mét và nặng 2 tấn. Nghiên cứu của tiến sĩ Erickson đã giúp giải thích vì sao cá sấu dám tấn công cả tàu thuyền xâm phạm lãnh địa của chúng.
Cá sấu mõm ngắn Mỹ: 2.125 PSI (149 kg/cm2)
Loài này sống ở miền Đông Nam nước Mỹ, chủ yếu cư ngụ tại sông hồ và đầm lầy thuộc các bang Florida, Louisiana. Một con cá sấu mõm ngắn đực có thể dài từ 3,5 tới 4,5 m, nặng khoảng 450 kg. Với kích cỡ khá lớn và sức mạnh răng hàm thượng thừa, bọn chúng hoàn toàn đủ khả năng tấn công con người nhưng thường chỉ săn rùa với các loại cá mà thôi.
Hà mã: 1.800 PSI (127 kg/cm2)
Nhiều người vẫn tin rằng hà mã có ngoại hình mũm mĩm đáng yêu, nhưng sự thật là chúng vô cùng đáng sợ. Hà mã rất hiếu chiến, một khi đã vào cuộc truy đuổi thì hiếm khi nào bỏ cuộc, ngoài ra lực cắn của chúng đủ sức giết chết cả sư tử lẫn cá sấu. Hà mã còn có thể nhai trọn quả dưa hấu như cách bạn ăn một quả nho vậy.
Báo đốm: 1.500 PSI (105 kg/cm2)
Nếu nghĩ loài này chỉ là phiên bản to xác của mấy con mèo nhà thì bạn sai thật rồi. Báo đốm đích thị là sát thủ lão luyện trong tự nhiên với kĩ năng chạy bộ và bơi lội đỉnh cao, kèm theo cú táp thần sầu đủ sức nghiền nát mai rùa và nhiều loài thú có mai khác.
Khỉ đột: 1.300 PSI (91 kg/cm2)
Khỉ đột chủ yếu ăn chuối nhưng thỉnh thoảng cũng cho vào menu các loại rau, củ, quả, hạt, vỏ cây thô ráp… để giúp bộ răng không bị mất đi phần uy lực vốn có. Hơn nữa, dù ăn chay nhưng khỉ đột cũng không ngại dùng vũ lực để bảo vệ bầy đàn. Vũ khí của chúng bao gồm cơ bắp, móng vuốt và những cú cắn có thể xuyên qua vô số bề mặt trong tự nhiên.
Gấu Bắc Cực: 1.200 PSI (84 kg/cm2)
Gấu Bắc Cực là một trong những kẻ săn mồi to xác nhất trên cạn, có thể dài tới 3 m và nặng 1 tấn. Chúng sở hữu bộ hàm vô cùng mạnh mẽ để xuyên qua lớp da dày của các con vật sống ở vùng băng giá.
Gấu xám Bắc Mỹ: 1.160 PSI (82 kg/cm2)
Trong số họ hàng nhà gấu thì gấu xám Bắc Mỹ đặc biệt hiếu chiến, mạnh mẽ. Chúng nặng tới 680 kg, được cho là có thể hạ gục nai sừng tấm chỉ trong 1 cú tát sấm sét. Ngoài ra, các nhà khoa học ước tính lực cắn của gấu xám đủ sức nghiền nát quả bóng bowling.
Linh cẩu: 1.100 PSI (77 kg/cm2)
Mặc dù chỉ nặng “sương sương” 60 kg nhưng linh cẩu lại là loài vật gây khiếp đảm bậc nhất trong tự nhiên. 50% thức ăn của chúng là xác thối, 50% còn lại là các con mồi “tươi sống”. Để săn bắt, linh cẩu kết hợp thuần thục tốc độ rượt đuổi lên tới 60 km/h và bộ răng cực kỳ sắc bén, mạnh mẽ. Bọn chúng có thể hạ gục linh dương, trâu và cả hươu cao cổ cỡ nhỏ.
Hổ Bengal: 1.050 PSI (74 kg/cm2)
Loài mèo lớn này sinh sống ở tiểu lục địa Ấn Độ. Trong số các bà con của mình, hổ Bengal sở hữu bộ răng dài nhất, khoảng 7,5 đến 10 cm. Chúng là những tay săn mồi cừ khôi, sẵn sàng đuổi theo hàng cây số trước khi kết liễu trâu nước, nai, lợn rừng và nhiều loài thú lớn khác. Một con hổ đói sẽ có thể ăn tới 27 kg thịt trong một đêm.
Leave a comment