Thanh gươm là một thứ vũ khí có tác động rất lớn đến lịch sử loài người, những thanh kiếm nổi danh một thời còn sót lại đều là những báu vật vô giá.
1. Thanh kiếm bảy nhánh
Năm 1945, một thanh kiếm huyền bí đã được tìm thấy trong ngôi đền Isonokami của Nhật Bản. Thanh gươm rất khác thường với sáu chỗ lồi phân nhánh ra từ hai mặt (mũi kiếm được coi là thứ bảy). Nghiên cứu dòng chữ mờ dọc lưỡi kiếm cho thấy đây là món quà từ một vị vua Triều Tiên gửi đến quốc vương Nhật Bản.
Theo thông tin được tìm thấy trong Nhật Bản thư kỷ, thanh kiếm này có thể trùng khớp với thanh kiếm bảy nhánh của Hoàng hậu Jingū, vị Thiên hoàng thần thoại còn nhiều tranh cãi tại Nhật Bản.
2. Thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn – Goujian
Năm 1965, một thanh kiếm đáng chú ý đã được tìm thấy trong một ngôi mộ ẩm ướt ở Trung Quốc. Mặc dù đã hơn 2.000 năm tuổi, nó không hề có một vết hoen gỉ. Nghiên cứu về các hình khắc trên thanh kiếm kết luận rằng đó là thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn, và được cho là lưỡi kiếm huyền thoại đã đề cập trong Việt tuyệt thư.
Những thử nghiệm về sự hoàn hảo của thanh kiếm cho thấy, các nhà luyện kim nước Việt đã đạt được trình độ kết hợp được hợp chất không gỉ vào lưỡi liếm, ngoài ra nó cũng có thể được bảo vệ bởi các chất kháng gỉ. Thêm nữa, độ kín của bao kiếm gần như tuyệt đối đã giúp thanh kiếm giữ được tình trạng hoàn mỹ, thậm chí suốt hai thiên niên kỷ trong hầm mộ.
3. Thanh kiếm Wallace
Truyền thuyết kể rằng hiệp sĩ William Wallace đã sử dụng da người làm vỏ kiếm, chuôi kiếm và dây đai dùng để đeo. Wallace đã sử dụng da khô của chỉ huy Scotland phụ trách ngân khố Hugh de Cressingham, sau khi đánh bại người này trong trận chiến cầu Stirling. Hiện thanh kiếm này được trưng bày tại Đài tưởng niệm quốc gia Wallace. Nó đã được sửa chữa nhiều lần, và không còn nguyên vẹn như ban đầu.
Năm 1305, Wallace bị Vua Edward I của Anh bắt và xử tử với tội phản quốc. Tuy nhiên, hình ảnh về người hiệp sĩ với thanh kiếm khổng lồ còn mãi trong lòng người dân Scotland. Ngày nay, ông được xem như một anh hùng dân tộc yêu nước và thanh kiếm của ông trở thành một trong những bảo kiếm nổi tiếng nhất thế giới.
4. Thanh kiếm của Thánh Peter
Đã có nhiều truyền thuyết về thanh kiếm của Thánh Peter sử dụng để cắt tai của người hầu trong khu vườn Gethsemane. Joseph xứ Arimathea đã mang thanh kiếm đó cùng Chén Thánh đến Anh. Tuy nhiên, đến năm 968, Đức Giám Mục Jordan đã mang thanh kiếm này đến Ba Lan. Kể từ đó, nó ở lại Ba Lan và được chuyển đến Bảo tàng Archdiocese ở Poznan.
5. Thanh kiếm Joyeuse
Đây là thanh kiếm huyền thoại của vua Charlemagne. Nó được cho là có khả năng thay đổi màu sắc 30 lần/ngày và sáng như ánh mặt trời. Vào đầu năm 1271, hai thanh kiếm có tên gọi Joyeuse đã xuất hiện trong nghi lễ đăng quang của các vị vua Pháp. Một trong hai thanh kiếm được cho là thuộc sở hữu của Tòa Thánh La Mã trong nhiều thế kỷ.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 802. Truyền thuyết kể rằng thanh kiếm Joyeuse, có nghĩa là “vui vẻ” trong tiếng Pháp, đã được thợ rèn Galas nổi tiếng cặm cụi ba năm để hoàn thành. Thanh kiếm được mô tả với sức mạnh ma thuật, sáng hơn cả ánh Mặt trời và có thể làm mù mắt kẻ địch, bất kỳ người nào giữ thanh kiếm huyền thoại này sẽ không bị ngộ độc. Hoàng đế Charlemagne khi đang trở về từ Tây Ban Nha đã dựng trại nơi thanh kiếm được khai sinh và lấy được nó.
6. Thanh kiếm Honjo Masamune
Theo truyền thuyết Nhật Bản, hai thanh kiếm Masamune và Muramasa đã có một cuộc so tài với nhau. Trong khi Muramasa có thể chặt đứt tất cả mọi thứ mà nó chạm vào, thì thanh kiếm Masamune lại không làm tổn thương những sinh linh vô tội.
Masamune được coi là thanh kiếm quý có giá trị như bảo vật quốc gia, nhưng người ta chưa bao giờ tìm thấy hay nhìn thấy nó “bằng xương bằng thịt”.
7. Thanh kiếm bị nguyền rủa Muramasas
Đây là thanh kiếm do Muramasa – học trò của nghệ nhân rèn kiếm nổi tiếng Okazaki Goronyudo Masamune tạo nên. Tương truyền rằng do Muramasa tâm không chính, cũng bởi không được Masamune truyền lại bí quyết kiểm soát nhiệt độ khi nung kiếm nên anh ta ôm hận trong lòng, liền ăn cắp bí quyết của thầy để tự rèn kiếm cho mình. Sau khi phát hiện ra sự việc, Masamune đã tức giận cho một nhát kiếm chặt đứt cổ tay của cậu học trò. Muramasa bỏ đi mang theo quyết tâm sẽ đánh bại thanh kiếm do người thầy Masamune rèn.
Do đó tâm địa độc ác của anh ta đã nhập vào thanh kiếm, từ đó Muramasa đã trở thành một cái tên không tốt đẹp chút nào. Ngoài ra, vào thời kỳ chiến quốc, Nhật Bản có nhu cầu kiếm rất lớn, nhưng Muramasa chỉ sản xuất những thanh kiếm tinh xảo nhất dùng trong giao đấu trực diện. Cũng có lẽ vì nó quá sắc bén nên vào thời đại Edo nó đã bắt đầu có những tên gọi như “tà kiếm”, “yêu kiếm”, và bị người ta kỳ thị, trong số những thanh yêu kiếm thời đó nó cũng được mệnh danh là “thanh kiếm yêu thuật”.
Thanh bảo kiếm Muramasa có chiều dài 70,9 cm, rộng 2,4 cm, chuôi khá ngắn (14,5 cm). Trải qua gần 7 thế kỷ nhưng đến nay, nó vẫn còn nguyên vẹn và là một trong những thanh kiếm đẹp, sắc bén bậc nhất của Nhật Bản. Có lần người ta đã làm thí nghiệm để thử độ sắc bén của Muramasa, bằng cách nhúng thanh kiếm xuống suối, sau đó thả những chiếc lá lên lưỡi kiếm. Lập tức người ta đã phải trầm trồ khi tất cả những chiếc lá đều bị cắt ngọt làm đôi khi vừa chạm nhẹ vào lưỡi kiếm. Có những giai thoại truyền rằng Muramasa từng được chủ nhân dùng để lấy mạng kẻ thù chỉ bằng một nhát chém, dễ như “ăn kẹo”
8. Thanh kiếm huyền bí Durandal
Hàng trăm năm qua, thanh kiếm huyền bí Durandal bị gắn vào trong vách đá phía trên nhà thờ nhỏ Notre Dame ở Rocamadour, Pháp. Các tu sĩ cho hay nó là bảo kiếm của hiệp sĩ Roland. Theo truyền thuyết, Roland đã ném thanh kiếm của mình vào vách đá để nó không rơi vào tay kẻ thù. Kể từ thế kỷ XII, nhà thờ nhỏ Notre Dame đã trở thành một điểm trong cuộc hành hương thiêng liêng của các tín đồ. Năm 2011, giới chức trách đã di chuyển thanh kiếm khỏi vách đá và bảo quản, trưng bày nó ở Bảo tàng Cluny, Paris.
9. Thanh kiếm Kusanagi
Đây là một trong Tam Chủng Thần Khí của Nhật Bản. Theo truyền thuyết, thanh kiếm Kusanagi được tìm thấy trong xác của một con rắn 8 đầu. Con rắn này bị thần bão và biển giết chết. Kusanagi được coi là biểu trưng của hoàng gia Nhật Bản (Imperial Regalia) và là một trong những biểu tượng của nữ Thần Mặt trời.
Hoàng gia Nhật Bản sử dụng thanh kiếm làm biểu tượng của quyền lực thiêng liêng và dùng để cai trị thần dân. Thanh kiếm Kusanagi được cho là đang “ngự” trong ngôi đền Atsuta thuộc tỉnh Nagano, nhưng sự hiện hữu của nó không được công bố trong suốt nhiều thế kỷ qua.
10. Thanh kiếm trong đá Excalibur
Theo những tư liệu còn sót lại về vua Arthur, có hai huyền thoại tách bạch nhau về xuất xứ của thanh kiếm. Đầu tiên là về huyền thoại “Thanh kiếm trong đá”, xuất hiện đầu tiên trong bài thơ Merlin của Robert de Boron, trong đó Excalibur chỉ có thể được rút ra khỏi đá bởi Arthur, vị vua hợp pháp. Truyền thuyết thứ hai xuất hiện trong sách Post-Vulgate Suite du Merlin. Ở đây, Arthur nhận được Excalibur từ Tiên nữ của Hồ nước sau khi làm gãy thanh gươm đầu tiên của mình trong một cuộc đánh nhau với vua Pellinore. Vị tiên đã miêu tả thanh kiếm “Excalibur, thanh kiếm cắt thép”, và Arthur nhận nó từ một cánh tay đưa lên khỏi mặt hồ.
Khi Arthur sắp chết, ông bảo Ngài Bedivere trả lại thanh kiếm bằng cách ném nó xuống hồ. Bedivere nhận lời một cách miễn cưỡng, không đành lòng ném đi thanh kiếm quý giá. Hai lần liên tiếp, ông giả vờ thực hiện theo lời nhà vua. Mỗi lần, Arthur hỏi ông ta đã quăng thanh kiếm đi như thế nào. Khi Bedivere nói rằng thanh kiếm đơn giản là đã chìm xuống hồ, Arthur la mắng Bedivere một cách gay gắt. Cuối cùng, Bedivere đành phải thực sự ném Excalibur xuống hồ. Trước khi thanh kiếm chạm mặt nước, một cánh tay trồi lên tóm lấy thanh gươm và kéo nó xuống hồ. Xác Arthur được đặt trên một thuyền tang cùng với ba nữ hoàng đến đảo Avalon, nơi mà tương truyền rằng, một ngày không xa, ông sẽ trở về giải thoát nước Anh khỏi mọi đe dọa.